Kính gửi:
– Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội khóa XIV;
– Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
– Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an;
– Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
– Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
– Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Chúng tôi gồm: cán bộ của Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự, hầu hết là cán bộ nghỉ hưu từ Viện Khoa học hình sự và một số chuyên gia khoa học về xác định tuổi cây, gen, âm thanh, môi trường,… và luật sư, có Giấy phép hoạt động dịch vụ KHKT số A-979 ngày 07/07/2011 của Bộ KH và Công nghệ, sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung (SĐ, BS) của Luật Giám định tư pháp 2012 (GĐTP) vì không được tham dự hội thảo về lĩnh vực này do Bộ Tư pháp chủ trì, nay xin có một số góp ý như sau:
1. Điểm b, Khoản 1, Điều 7 chỉ nên quy định: “Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.”. Thực tế, các lĩnh vực giám định (GĐ) kể cả pháp y đã xảy ra nhiều xung đột kết luận GĐ nhất, cho nên nhiều vụ việc kéo dài hoặc oan sai. Việc bổ nhiệm giám định viên (GĐV) sau ba năm, kể cả người “giúp việc” là chưa đủ thời gian để tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp. Hiện nay việc đào tạo GĐV sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ta chỉ là kèm cặp, do vậy chất lượng đào tạo kèm cặp ở nước ta chưa cao (chúng tôi có nhiều dẫn chứng về vấn đề này), trong khi ở các nước tiên tiến có chuyên khoa khoa học hình sự thời gian từ 2-3 năm trong trường đại học tổng hợp, vì vậy cần điều chỉnh lại thời gian thực hành trước khi bổ nhiệm là 05 năm là phù hợp thực tế ở nước ta. Vụ GĐ gen ở Tiền Giang kéo dài từ năm 1999 đến 2009 và vụ “Cô gái giao gà” ở Điện Biên, vụ đánh bạc nghìn tỷ của An ninh Phú Thọ … là những bằng chứng điển hình của tình trạng non kém chuyên môn về GĐ!
2. Đề nghị Bộ Tư pháp phát hành Mẫu phôi thẻ giám định viên, các cơ quan bộ, ngang bộ, Sở Tư pháp tỉnh cấp thẻ và cung cấp mẫu cho Bộ Tư pháp để quản lý.
3. Không nên đưa vào Luật: “ Có quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc hoặc Quyết định chuyển sang công việc chuyên môn khác, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan chủ quản có nhu cầu sử dụng hoặc làm thủ tục đề nghị thành lập Văn phòng giám định tư pháp trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc” vì những lý do sau đây: Giám định là một nghề, mà đã là nghề thì có thể hành nghề suốt đời khi còn sức khỏe, không vi phạm các điều mà luật pháp cấm. Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, nước ta đang thiếu trầm trọng giám định viên tư pháp nhiều lĩnh vực, thì việc miễn nhiệm giám định viên khi nghỉ hưu trí, nhất là khi họ còn đủ sức khỏe và thần kinh còn minh mẫn và đã tích lũy nhiều nhất kinh nghiệm nghề nghiệp giám định là sự lãng phí lớn (photocopy góp ý Luật GĐTP 2012).Mặt khác , nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 sẽ hết hiệu lực. Giả sử khi đó (và sẽ là nhu cầu thực tế đòi hỏi, việc xã hội hóa GĐTP đượcquy định rộng rãi hơn theo xu hướng mở, sẽ xảy ra tình trạng những GĐVTP đã bị miễn nhiệm vẫn có đủ sức khỏe, có nguyện vọng tham gia hoạt động gĐTP thì có bổ nhiệm lại không hay bỏ phí lực lượng khá đông đảo này, nên hậu quả cuối vẫn là bối cảnh chúng ta tiếp tục thiếu GĐVTP trầm trọng.
4. Nếu có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định và với các chứng cứ khác nhất thiết phải yêu cầu giám định lại. Ví dụ vụ hai anh em tranh chấp nhà đất ở tại Hải Phòng, hai vợ chồng người bán nhà cho hai anh em còn sống khẳng định và có nhiều đơn thư lên các cấp để cương quyết khẳng định không viết và ký giấy bán nhà cho người em, bản này đã cung cấp trước tòa, mà vợ chồng người bán nhà ký và viết tên họ trong giấy bán nhà cho người anh khi còn sống. Hai lần giám định công lập trước (một ở địa phương, một ở trung ương) đều kết luận chữ ký và chữ viết họ tên trong giấy bán nhà mà người em trình trước tòa là của vợ chồng người bán nhà. Tuy nhiên, GĐ lần thứ 3 do một Trung tâm ngoài công lập tiến hành lại kết luận chữ ký, chữ viết tên họ trong giấy bán nhà không phải do vợ và chồng người bán nhà này ký và viết ra. Thiết nghĩ, Tòa án như là “trọng tài bóng đá”, là “bao công”, khi có các kết luận ngược nhau và chưa làm sáng tỏ các chứng cứ khác, Tòa án cần: i) mời các giám định viên giám định vụ đó đến để bảo vệ kết quả giám định trước Tòa, khi Hội đồng Thẩm phán nghe các giám định viên trình bày cơ sở khoa học của phương pháp để kết luận giám định, nếu Hội đồng đồng ý kết luận của một bản giám định thì phán quyết của tòa dựa trên kết quả giám định đó. Ví dụ vụ án dân sự Tuyên Quang năm 2012-2013, Tòa án đã mời ba GĐV (02 của công lập có kết luận giám định trái ngược nhau, 01 của ngoài công lập), kết luận giám định của ngoài công lập đã được tòa chấp nhận (photocopy). Nếu Tòa án thấy chứng cứ giám định tuy khách quan nhưng chưa đáp ứng cho giải quyết vụ án và nếu cần thiết thì Tòa án cần trưng cầu giám định lại với cấp độ cao hơn: Tòa án thành lập Hội đồng giám định lại gồm các giám định viên đã giám định vụ đó, có thể mời thêm chuyên gia về lĩnh vực đó (dựa vào kinh nghiệm, thời gian công tác, bằng cấp, kết quả đã bảo vệ trước tòa), để giám định tập thể cho đến khi thống nhất. Thực tế vừa qua khi giám định lại tuy do Thứ trưởng phê duyệt và thành lập Hội đồng giám định lại nhưng chỉ gồm giám định viên (tuy khác người) nhưng cùng một cơ quan thì sẽ yếu về phản biện để tìm ra chân lý khoa học (chỉ có đúng, sai, không có kết luận nước đôi, hiểu thế nào cũng được). Việc phán xét của Tòa lấy kết quả giám định nào là không đủ cơ sở khoa học và dễ dẫn đến oan sai nhiều. Ví dụ tháng 6/2019 Tòa án Lục Nam, Bắc Giang tuyên bố trước tòa khi xét xử là kết quả của giám định công lập có giá trị cao hơn của tổ chức ngoài công lập, nên đã lấy kết quả này, sơ dĩ như vậy để che dấu hiện tượng đưa thêm mẫu so sánh nghi giả (Trung tâm đã giám định) vào, để giám định so sánh với mẫu cần giám định (gia đình người vay tiền ngân hàng chính sách xã hội không ký vào sổ vay, lợi dụng chức sắc trong xã, quen biết nên người đi vay hộ đã ký và viết tên họ của người muốn vay tiền trong số vay ngân hàng và tự giao dịch để tính thêm lãi), Tòa lấy mẫu này làm mẫu so sánh, dẫn đến kết luận giám định của công lập sai.
5. Trong Luật SĐ, BS cần sửa đổi điểm g khoản 1, sửa đổi khoản 2 Điều 32 như sau:
“1. Kết luận giám định tư pháp là một kết luận tổng quát dựa trên phân tích, tổng hợp các chứng cứ bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định. Kết luận giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây:
g) Kết luận về đối tượng giám định phải nêu nhận xét, đánh giá rõ ràng, cụ thể về chuyên môn những vấn đề, nội dung có liên quan của vụ án, vụ việc theo trưng cầu, yêu cầu giám định.”
2. Kết luận gián định được thể hiện thông qua 02 hình thức văn bản:
a. Bản giám định (in đậm, cỡ chữ 14): được cấu tạo bới các thành phần chính sau: Mở đầu (in đậm cỡ chữ in 12) nêu Cơ quan, tổ chức giám định, ngày tháng năm nhận yêu cầu giám định, số công văn yêu cầu giám định, gày tháng của công văn, loại hình giám định; Phần thứ hai (in đậm cỡ chữ in 12) tóm tắt nội dung sự việc liên quan đến yêu cầu giám định; Phần thứ ba (in đậm cỡ chữ in 12) nêu thống kê mẫu cần giám định, các mẫu so sánh; Phần thứ tư (in đậm cỡ chữ in 12) yêu cầu giám định, cần tách riêng rẽ từng yêu cầu theo số thứ tự; Phần thứ năm (in đậm cỡ chữin 12) các phương pháp và kết quả giám định (in đậm cỡ chữ in 12), trong phần này cần nêu đủ các phương pháp, điều kiện thực hiện giám định; kết quả thu được của tứng phương pháp và nêu nhận xét khi phân tích và tổng hợp các kết quả của toàn bộ các phương pháp, nếu cần nên có phần thảo luận về các kết quả thu được; Phần thứ sáu là kết luận (in đậm cỡ chữ in 12) phải nêu ngắn gọn, đủ theo các yêu giám định (trong phần thứ tư). Bản giám định thường được thiết lập khi có yêu cầu thuộc các vụ án hình sự, dân sự và hành chính quan trọng, phức tạp.
b. Bản thông báo kết quả giám định: có đủ cấu tạo 6 phần như Bản giám định, nhưng chủ yếu nêu vắn tắt các phương pháp đã thực hiện, kết quả và kết luận cuối cùng.
Bản giám định hoặc bản thông báo kết quả giám định phải có đầy đủ chữ ký và ghi rõ họ tên của người tham gia giám định.”
6. Theo chúng tôi, dự thảo Luật SĐ, BS Luật GĐTP 2012 phải theo xu hướng mở, nhằm động viên các tầng lớp xã hội có kiến thức, có nhiệt huyết tham gia trong giám định ngoài công lập sẽ giàm bớt gánh nặng cho nhà nước. Có lẽ dự thảo Luật SĐ, BS Luật GĐTP lần này không đi theo xu hướng mở mà hầu hết các nước đang làm, đó là việc đặt lại vấn đề miễn nhiệm GĐVTP đã nghỉ hưu và đưa ra điều kiện con về tiêu chuẩn thành lập Văn phòng GĐ. Nếu việc miễn nhiệm GĐVTP và đưa ra điều kiện để thành lập văn phòng GĐ sẽ là một lãng phí chất xám lớn và mất đi đối trọng trong khi hiện chất lượng của các cơ quan, tổ chức giám định công lập còn nhiều yếu kém, có lĩnh vực còn chưa thực hiện được (giám định tuổi mưc, photocopy), đã để xảy ra nhiều sai sót, đặc biệt là thiếu giám định viên tư pháp công lập có chất lượng cao (chuyên gia). Hiện nay người dân kêu oan trong giám định còn nhiều, điều đó làm giảm lòng tin rất lớn của người dân đối với các cơ quan tố tụng.
Những người đề xuất, kiến nghị:
– Hoàng Mạnh Hùng, Đại tá, PGS.TS, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, BCA;
– Hoàng Văn Nẫm, Đại tá, nguyên Phó trưởng Phòng giám định dấu vết truyền thống (vân tay…), Viện KHHS;
– Cao Minh Tuấn, Đại tá, nguyên Phó trưởng Phòng giám định chữ và kỹ thuật tài liệu, Viện KHHS;
– BS Cao Xuân Quyết, thượng tá, nguyên cán bộ Phòng Pháp y, Viện KHHS;
– LS Nguyễn Đức Tuyền, Hải Phòng;
– LS Trịnh Văn Ninh, Văn phóng LS Hoàng Gia, Thanh Hóa.
– ThS Hoàng Anh Đức, cán bộ Trung tâm TV, GĐDS;
– Nguyễn Thị Tuyển, GĐV TP về âm thanh;
– Vũ Kim Bảng, PGS.TS, nguyên Phó Viện trường Viện Ngôn ngữ.
Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2019
![](http://giamdinhdansu.vn/wp-content/uploads/2019/09/1-4-764x1024.jpg)
![](http://giamdinhdansu.vn/wp-content/uploads/2019/09/2-3-776x1024.jpg)
![](http://giamdinhdansu.vn/wp-content/uploads/2019/09/3-3-796x1024.jpg)
![](http://giamdinhdansu.vn/wp-content/uploads/2019/09/4-3-764x1024.jpg)
Thông tin liên hệ:
TRUNG TÂM TƯ VẤN, GIÁM ĐỊNH DÂN SỰ (CCCA)
Địa chỉ: 67 Khuất Duy Tiến, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0913.526.080
Email: tuvangiamdinh@gmail.com.