GIÁM ĐỊNH TÀI LIỆU TRONG KHOA HỌC HÌNH SỰ

Rất nhiều thông tin quan trọng có thể được thu thập từ các tài liệu, văn bản có liên quan đến một vụ án hình sự hoặc dân sự. Chẳng hạn như một lá thư tuyệt mệnh tìm thấy được bên cạnh người đã khuất, liệu có phải thực sự được viết bởi người đó, hay là của một sát nhân đang cố gắng che đậy tội ác của mình? Một mẩu giấy ghi chú của tên cướp ngân hàng liệu có thể chứa những dấu vết vô hình, cho biết được địa chỉ nơi ẩn náu của hắn không? Di chúc của một người giàu liệu có phải đã bị chỉnh sửa để một người họ hàng nào đó có thể được thừa kế một khoản lớn?

Ngành giám định tài liệu hình sự gọi đó là “tài liệu bị nghi vấn“, thường liên quan đến các loại tội phạm kinh tế như gian lận séc; tuy nhiên trên thực tế, lĩnh vực khoa học hình sự này còn có thể mở rộng ra nhiều trường hợp khác, từ những sơ suất trong y khoa, làm giả các tác phẩm nghệ thuật cho đến những vụ giết người. Các giám định viên tài liệu, với sự trợ giúp của những thiết bị công nghệ tiên tiến, có thể dựa vào các dấu hiệu hữu hình và vô hình trên văn bản, tài liệu để trích xuất nhiều chi tiết nhằm xác thực hoặc tìm ra thông tin quan trọng phục vụ cho cuộc điều tra.

Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, công việc của các giám định viên tài liệu hình sự càng trở nên quan trọng hơn. Với sự ra đời của nhiều chương trình phần mềm tiên tiến như Adobe® Photoshop®, Acrobat® và các công cụ khác, tội phạm càng ngày càng dễ dàng tạo lập và thao túng các loại tài liệu giả từ hợp đồng đến tiền tệ. Giám định viên tài liệu hình sự thường phải giải quyết các yêu cầu về tính xác thực của tài liệu. Để xác định xem một tài liệu có phải là thật hay không, giám định viên có thể phải xác thực các thông tin: người đã làm ra tài liệu, khung thời gian mà tài liệu được tạo ra, những nguyên vật liệu được sử dụng trong quá trình chuẩn bị tài liệu đó hoặc phát hiện ra các sửa đổi so với văn bản gốc ban đầu.

Tài liệu, văn bản có thể được giám định để tìm bằng chứng của việc chỉnh sửa, tẩy xóa hoặc thay trang, hoặc giám định viên có thể nghiên cứu các phương pháp, vật liệu hoặc máy móc đã được dùng để tạo ra tài liệu, dựa vào đó cung cấp được thông tin chính có thể xác định hoặc thu hẹp các nguồn có thể tạo ra tài liệu, văn bản. Mực, giấy, dụng cụ viết, ruy băng, tem và con dấu được sử dụng trong quá trình tạo ra tài liệu đều có khả năng tiết lộ những manh mối quan trọng. Giám định viên thậm chí có thể phát hiện ra bằng chứng có giá trị từ các dấu vết không nhìn được bằng mắt thường trên tài liệu.

Yếu tố then chốt của giám định tài liệu nằm ở chữ viết tay. Giám định và so sánh chữ viết (bao gồm: chữ viết tay và chữ ký) thường dựa trên ba nguyên tắc chính:

1) Với số lượng chữ viết tay nhất định, không có hai người viết nào thể hiện các đặc điểm chữ viết tay giống hệt nhau;
2) Mỗi người có một loạt các biến thể tự nhiên trong chữ viết của mình;
3) Không có người viết nào có thể vượt quá trình độ kỹ năng của mình (tức là một người có trình độ học vấn thấp, chỉ học cách viết những chữ viết tay rất cơ bản thì sẽ không thể thực hiện được chữ viết tay hoàn hảo, có kỹ năng cao).

Cơ sở dữ liệu máy tính của Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ, Cảnh sát Liên bang Đức và Cục Điều tra Liên bang có lưu trữ các mẫu chữ viết tay từ hàng trăm nghìn người viết. Việc so sánh các cơ sở dữ liệu này chưa từng xác định được hai cá nhân nào có các đặc điểm chữ viết tay giống hệt nhau. Điều này càng làm tăng thêm tính xác thực của chữ viết tay như một loại bằng chứng vững chắc.

Nguồn: https://www.forensicsciencesimplified.org

Thông tin liên hệ:
TRUNG TÂM TƯ VẤN, GIÁM ĐỊNH DÂN SỰ (CCCA)
Địa chỉ: 67 Khuất Duy Tiến, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0913.526.080
Email: tuvangiamdinh@gmail.com.

Author: My Hanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *