Các chuyên gia về xăng dầu cho biết, có nhiều cách phù phép xăng rởm thành xăng “chuẩn” đưa ra thị trường tiêu thụ, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người dùng phương tiện xe máy ô tô như hỏng hóc, ăn mòn động cơ, nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều chiêu biến hóa xăng dầu
Từ quá trình nhiều năm công tác tại Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, Nguyên Phó Viện trưởng, hiện là Giám đốc Trung tâm tư vấn, Giám định dân sự chia sẻ, có rất nhiều chiêu trò được những kẻ làm xăng giả sử dụng đến bán ra thị trường, nhằm kiếm lợi nhuận rất cao.
Một trong những chiêu trò được sử dụng phổ biến là pha cồn vào xăng như pha methaonol, acetone vào xăng với hàm lượng cao để làm tăng trị số octan của xăng. Một số đối tượng có thể sử dụng pha xăng A83 với xăng A92, sau đó pha thêm cồn ở một hàm lượng nhất định sẽ được xăng có RON 92 bởi cồn có trị số octan lên tới 110, 120. Một cách nữa là pha trực tiếp xăng A83 vào xăng A92 sau đó cho chất tạo màu giúp xăng có màu giống xăng A92.
PGS. TS. Hoàng Mạnh Hùng cho biết, các dung môi có thể pha vào xăng là các dung môi hòa tan được trong xăng nhưng có giá thành rẻ hơn và trị số octan (RON) lớn hơn 100 (trong khi trị số octan của xăng A95 là 95). Thậm chí để tăng lợi nhuận người ta có thể sử dụng loại cồn nồng độ thấp với giá thành cực rẻ. Vì vậy, việc pha chế xăng giả đem đi tiêu thụ mang lại lợi nhuận rất lớn.
Ngoài cồn, có thể điểm danh nhiều dung môi khác có thể pha vào xăng như methyl acetate, ethyl acetate, condensat, naphtha, ete dầu hỏa. Thậm chí các dung môi pha sơn cũng có thể được sử dụng.
Theo ông Nguyễn Tuấn Tú, Trưởng phòng thử nghiệm xăng dầu khí của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN, thực tế có tình trạng các phụ gia, dung môi không được phép cho vào trong xăng nhưng lại có tính chất tương tự xăng dầu được sử dụng, gây ảnh hưởng đến máy móc, động cơ xe.
Hậu quả khôn lường
Theo PGS. TS. Hoàng Mạnh Hùng, vào những năm 2011-2012, tình trạng cháy ô tô, xe máy diễn ra khá phổ biến, khi đó nhiều người đã đặt ghi vấn xăng giả. Việc sử dụng xăng pha dung môi, chất phụ gia không theo quy chuẩn có thể để lại nhiều hậu quả như ăn mòn các bộ phận của xe, gây hỏng hóc động cơ của xe, gây hỏng bộ lọc khí khiến nhiều chất ô nhiễm phát thải ra môi trường. Đặc biệt, việc sử dụng xăng giả trong thời gian dài có thể gây ra các vụ cháy xe, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người tham gia giao thông.
Trước đó, đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp Nhà nước “Xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy nổ ô tô, xe máy” do liên Bộ Giao thông Vận tải, Bộ KH&CN, Bộ Công thương thực hiện đã chỉ ra, xăng pha các phụ gia như methanol, ethanol, các amin thơm sẽ dẫn đến hình thành các màng polymer làm tắt bơm xăng, vòi phun, làm trương nở cao su và các vật liệu polymer khi các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu. Bên cạnh đó tạo ra nhiều bồ hóng và muội than khiến động cơ tăng nhiệt lên rất cao, làm nguy cơ cháy nổ càng hiện hữu.
Ngoài ra, xăng pha phụ gia trên dẫn đến hình thành các oxit sắt và mangan, dẫn đến làm hỏng bugi, bộ chuyển đổi xúc tác dẫn đến trục trặc động cơ, làm tăng nhiệt độ của động cơ và tăng nguy cơ gây cháy. Xăng rởm còn dẫn đến hình thành các hợp chất FeS trong muội ở ống xả xe – thủ phạm khiến xe bùng cháy dữ dội khi gặp nhiệt độ cao. Từ những nghiên cứu cụ thể, các nhà khoa học thực hiện đề tài nghiên cứu trên đã đưa ra kết luận, việc sử dụng xăng rởm có thể gây ra nhiều hậu quả đến động cơ xe, dẫn đến nguy cơ cháy ô tô, xe máy.
Theo ông Nguyễn Tuấn Tú, rất khó để người dùng có thể phân biệt được xăng rởm bằng mắt thường mà phải qua phòng thí nghiệm mới xác định được. Với mặt hàng xăng dầu, người tiêu dùng có thể bảo vệ mình bằng cách mua xăng ở những địa chỉ tin cậy, có thương hiệu, không nên mua xăng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Trong quá trình dùng xe nếu phát hiện xe thường xuyên có biểu hiện như chết máy có thể thông tin về cơ quan quản lý thị trường, các chi tục tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, cơ quan công an ở địa phương.
NGUYỄN HOÀI (Báo Tiền Phong)
Thông tin liên hệ:
TRUNG TÂM TƯ VẤN, GIÁM ĐỊNH DÂN SỰ (CCCA)
Địa chỉ: 67 Khuất Duy Tiến, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0913.526.080
Email: tuvangiamdinh@gmail.com.