Thưa ông, sau khi đọc bài viết về những hạn chế hiện tại của công tác giám định tư pháp nước ta mà ông đã nêu ra trong tóm tắt ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban thường vụ quốc hội, tôi – PGS. TS. Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn, giám định dân sự, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) – nguyên Đại tá, Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xin có một số ý kiến và đề xuất với ông và các đại biểu quốc hội như sau:
- Luật giám định tư pháp 2012, sửa đổi 2020 có một tiến bộ lớn là không chỉ các cơ quan, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền trưng cầu giám định, mà còn có người được yêu cầu giám định tư pháp, gồm: “nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định” – (Điều 26, khoản 1).
Khoản 2, Điều 20 lại quy định: “Trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện không thuộc danh sách đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do”. Có thể hiểu rất cụ thể là được trưng cầu, yêu cầu ông thợ vàng giám định tuổi vàng, dù ông ta không có bằng cấp giám định, nhưng chắc chắn ông ta xác định tuổi vàng chính xác, trong khi một cử nhân hóa học (thậm chí người có học vị, học hàm về hóa học) chưa chắc đã làm được việc này?
2. Hiện tại, lực lượng giám định viên tư pháp nước ta đang thiếu và yếu ở hầu hết các lĩnh vực giám định tư pháp, đặc biệt thiếu ở những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn rất chuyên sâu, nhưng chúng ta đang lãng phí nguồn “tài nguyên” trí tuệ rất lớn. Có thể lấy Trung tâm tư vấn, giám định dân sự làm ví dụ:
Trung tâm chúng tôi có nhiều cán bộ khoa học đang hoạt động với tư cách là giám định viên. Đây là những giám định viên tư pháp được các bộ, ngành bổ nhiệm, nay đã nghỉ hưu, có đủ sức khỏe, đặc biệt là bề dày và kinh nghiệm chuyên ngành giám định. Khi đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Trung tâm đã gửi về VUSTA lý lịch khoa học của các cán bộ này. Trong đó có cán bộ có đến ba (03) bằng giám định viên do Bộ Công an, Bộ Tư pháp Việt Nam và Viện Khoa học hình sự (CHDC Liên bang Đức cũ) cấp. Dù Trung tâm đã sở hữu giấy phép hoạt động số A-979 ngày 07/07/2011 do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp, đồng thời VUSTA đã công bố danh sách các cán bộ của Trung tâm là Giám định viên tư pháp theo vụ việc, nhưng khi VUSTA thông báo đến Bộ Tư pháp theo đúng tinh thần Luật Giám định tư pháp thì Cục bổ trợ tư pháp không đưa họ vào danh sách Giám định viên tư pháp chung theo Khoản 1, Điều 20. Đặc biệt, Cục bổ trợ tư pháp còn trả lời nhiều Tòa án là những người này không có tên trong danh sách giám định viên tư pháp?! Vì thế, một số cơ quan tiến hành tố tụng không công nhận kết luận giám định của Trung tâm, việc này liệu có đúng với Khoản 2, Điều 20, Luật Giám định tư pháp?
Tuy nhiên, không ít Tòa án đã và đang công nhận kết luận giám định của Trung tâm, chỉ xin dẫn chứng một vài vụ việc được sáng tỏ khi có kết luận giám định tuổi mực – một lĩnh vực giám định mũi nhọn của Trung tâm.
- Năm 2018, các tài liệu trong vụ “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc” ở địa bàn tỉnh Phú Thọ và một số địa phương khác, liên quan đến Phan Văn Vĩnh và Lê Thanh Hóa, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã trưng cầu Trung tâm giám định tuổi tài liệu. Bản giám định số 16/2018/TTTVGDDS của Trung tâm kết luận: “Chữ ký của ông Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên văn bản không số/C50(P1) ngày 12/11/2011 không được ký vào thời gian tháng 11/2011 (± 01 tháng) mà được ký vào tháng 3/2017 ± 01 tháng), được cơ quan trưng cầu giám định thừa nhận.
- Năm 2017 – 2018 – 2019, do tranh chấp tài sản (tiền) giữa ông Phan Văn Lĩnh và ông Trần Minh Thuận ở TP Cao Lãnh, Đồng Tháp. Tài liệu trong vụ việc đã 3 lần được Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Đồng Tháp, Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công an tại TP HCM và Viện Khoa học hình sự tại Hà Nội giám định và lần thứ 4 là Hội đồng giám định thuộc Viện Khoa học hình sự tại Hà Nội giám định… Tuy nhiên TAND TP Cao Lãnh thừa nhận KLGĐ tại Bản giám định số 05/2023/TTTVGĐDS của Trung tâm: “Thời gian viết chữ viết, chữ số trong tài liệu cần giám định là cách nhau ngắn (hoặc rất ngắn), có thể tính theo đơn vị một vài ngày, mà không phải cách nhau nhiều tháng trở lên”.
- Năm 2019, TAND quận Hai Bà trưng, Hà Nội thừa nhận kết luận giám định tuổi tài liệu tại Bản giám định số 37/2019/TTTVGĐDS của Trung tâm trong vụ ông Trần Vĩnh Phúc (SN 1957) và bà Nguyễn Thị Xuân Bình (SN 1958) trong vụ tranh chấp bất động sản thừa kế. Với kết luận, các chữ viết trong tài liệu được viết trong khoảng tháng 4/2017, không phải năm 2009.
- Về lĩnh vực giám định âm thanh, giọng nói: Năm 2016, Nguyễn Thị Vững, SN 1978, trú tại 6A1/22/28, Xuân La, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội, gài ma túy vào ô tô của Nguyễn Văn Thiện, SN 1975, trú tại 28, Hàng Giấy, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội, làm Thiện bị bắt. Năm 2019, Trung tâm đã giám định chính xác giọng nói của Vững và Vân (người thuê Vững bỏ ma túy), được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội công nhận.
Trên đây chỉ là một vài vụ việc điển hình…
Các cơ quan tố tụng thừa nhận kết quả giám định của Trung tâm còn có Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang; TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu …; Học viện tư pháp (trong việc xác định thời điểm làm bài thi có trùng khớp với thời điểm thí sinh ký tên trong danh sách phòng thi). Không lẽ những cơ quan tố tụng nói trên phạm luật?
Không ít công ty luật và luật sư được Trung tâm tư vấn bằng kết luận giám định (khác với kết luận trước đó do nơi khác giám định) đã thay đổi được tội danh, mức hình phạt của người phạm tội theo hướng đúng tội, đúng mức độ, gỡ được oan, sai…
Kết luận giám định của Trung tâm đã giúp nhiều người dân không bị buộc tội dựa trên những chứng cứ thiếu xác thực, không chính xác, giảm được oan sai hoặc không phải trả tiền oan (vụ Lâm Đồng 2012, vụ Đồng Tháp 2016, vụ Bắc Giang 2019…)
Nhiều Công ty nước ngoài hoạt động kinh tế tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc … thừa nhận kết quả giám định của Trung tâm…
3. Hiện cơ quan giám định kỹ thuật hình sự công lập được xem như có khả năng chuyên môn cao nhất nước ta là Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an nhiều năm qua đã không thực hiện giám định tuổi mực – thuộc lĩnh vực hóa phân tích – vì đây là loại giám định khó do sai số tuổi mực dao động lớn. Bằng chứng là năm 2021, Viện Khoa học hình sự gửi công văn 3010/C09/P5 đến Tòa án TP Pleiku, Gia Lai cho biết rằng Viện không giám định tuổi mực. Thực trạng này để lại một khoảng trống lớn, vì xác định tuổi mực rất cần thiết cho xác lập chứng cứ làm giả hồ sơ, tài liệu (có số vụ việc rất lớn). Trong khi đó, tôi – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Hùng hiện là người tiên phong về lĩnh vực này ở Việt Nam và những kết luận tuổi tài liệu trong các vụ việc kể trên do tôi trực tiếp tiến hành giám định, có sự phối hợp với một số cơ quan khoa học kỹ thuật uy tín trong lĩnh vực. Tháng 8/2023, Trung tâm có thêm 01 cán bộ đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ hoá học về đề tài tuổi mực.
4. Trong bài “Bàn về công tác giám định tư pháp” đăng trên Tạp chí luật sư điện tử ngày 05/6/2023, tác giả Nguyễn Thị Yến Hoa ở Tòa án quân sự quân khu 1 viết: “đa số các cơ quan tố tụng thường tập trung trưng cầu tổ chức giám định công lập, chưa trưng cầu các tổ chức chuyên môn có năng lực ở ngoài khu vực Nhà nước; nhiều trường hợp việc giám định kéo dài ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định” . Điều này không chỉ đúng với các cơ quan tố tụng mà ngay cả Bộ Tư pháp và các cơ quan giám định công lập cũng có tư tưởng chủ đạo này. Các cơ quan giám định công lập thường tự cho mình đứng cao nhất, vậy thì họ tiến hành và kết luận giám định có sai không? Câu trả lời là có và không phải là ít sai! Xin dẫn chứng: Dương Huỳnh Thu Thủy, ở TP Huế, bị đánh ngày 17/9/2019… Quá trình giám định mức tổn hại sức khỏe của bị hại (với 2 Bản giám định pháp y 409-19/TD, ngày 25/9/2019 và 444-19/TgT, ngày 05/11/2019), Trung tâm pháp y Thừa Thiên – Huế vi phạm nghiêm trọng hàng loạt nguyên tắc chuyên môn giám định ban hành theo Thông tư 20/2014/TT-BYT về mức độ tổn hại sức khỏe (đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm giám định) như:
- Giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể khi nạn nhân đang điều trị, trong khi quy định phải giám định khi thương tích ổn định, nghĩa là khi được ra viện.
- Định tỷ lệ tổn thương cơ thể dựa trên những thương tích bầm tím, xây sát da nông mà những thương tích này chắc chắn không để lại sẹo. Thông tư 20/2014/TT-BYT quy định chỉ được định tỷ lệ tổn thương cơ thể nếu thương tích để lại sẹo da hoặc đứt cân, cơ. Không trích dẫn Chương, Phần, Mục theo Thông tư 20/2014/TT-BYT khi áp dụng để định tỷ lệ các tổn thương cơ thể của bị hại, trong khi buộc phải trích dẫn.
- Không cộng lùi mà cộng thẳng tỷ lệ các thương tích, trong khi buộc phải cộng lùi.
- Bản kết luận giám định pháp y số 409-19/TD đề tên hai Giám định viên tiến hành giám định nhưng chỉ có chữ ký của một Giám định viên!
- Định tỷ lệ tổn thương cơ thể do chấn thương mắt dựa trên kết quả đo thị lực mà không kiểm tra các bộ phận trong suốt (có chức năng nhìn) của mắt có phù hợp với mức độ suy giảm thị lực hay không!? Bởi người đi giám định thường có tâm lý muốn được tỷ lệ thương tật cao nên rất dễ không trung thực khi đo thị lực, vì thế nguyên tắc của chuyên khoa mắt là khi thị lực suy giảm phải kiểm tra các bộ phận trong suốt, nếu không có nguyên nhân khách quan phù hợp thì kết quả đo thị lực không được tin cậy.
Kết luận giám định sai phạm nghiêm trọng này là căn cứ để cơ quan tố tụng đưa ra hình phạt rất nặng với can phạm.
Hoặc như gần đây nhất, Trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa định tỷ lệ thương tật sai như sau: Bị hại do chấn thương sọ não phải phẫu thuật… Khi khám giám định, Trung tâm này xác nhận là khuyết xương sọ đáy chắc, nhưng khi định tỷ lệ mất sức cho mục “khuyết sọ” lại bỏ đi tính chất “đáy chắc” nên bị hại có tỉ lệ thương tật do “khuyết sọ” cao. Trong khi Thông tư 22/2019/TT-BYT (đang có hiệu lực thi hành) quy định: Nếu khuyết sọ đáy chắc phải định tỉ lệ thương tật theo mức thấp hơn liền kề. Hậu quả là luật sư của bị can khiếu nại, yêu cầu Trung tâm tư vấn, giám định dân sự giám định lại và bị hại có mức tổn hại sức khỏe thấp hơn trước, đồng nghĩa với việc bị can được giảm đi mấy năm tù!?
Việc coi trọng cơ quan giám định công lập, xem nhẹ tổ chức, người giám định ngoài công lập là lãng phí lớn tài sản quốc gia, bởi ngoài công lập chính là số đông giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu có bề dày lớn nghề nghiệp. Chẳng hạn, Trung tâm tư vấn, giám định dân sự có nhiều người làm nghề giám định tư pháp gần 40 – 50 năm; đã dự hàng chục Hội nghị khoa học hình sự châu Á và Thế giới; có nhiều bài báo, báo cáo khoa học hình sự được quốc tế công nhận; đã đào tạo hàng trăm giám định viên tư pháp chuyên ngành cho nước nhà, trong đó có nhiều Tiến sỹ hoặc đang giữ chức vụ lãnh đạo các cơ quan giám định tư pháp công lập… Khi đang là Cục trưởng bổ trợ tư pháp, bà Đỗ Hoàng Yến viết trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật: “Đối với giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu, thôi việc mà không đề nghị miễn nhiệm, nếu không thuộc trường hợp phải miễn nhiệm theo điểm a, b, c, d, Khoản 1, Điều 10 của Luật giám định tư pháp thì không thực hiện việc miễn nhiệm. Trường hợp này khi lập và công bố thông tin về giám định viên tư pháp thì cơ quan quản lý ghi nơi cư trú của giám định viên thay vì ghi tên cơ quan, đơn vị công tác trước đây” – đây là quan điểm đúng, giúp dần tháo gỡ tình trạng giám định viên tư pháp thiếu và yếu… Vì thế theo xu thế hiện nay cần phải thay đổi cách nghĩ “công lập phải là trên hết, cao nhất”, bởi hiện điều này không đúng. Mặt khác, nếu có xung đột kết luận giám định thì ở đâu sẽ là đối chứng, chắc phải là ngoài công lập, khi mà một yêu cầu giám định thuộc một lĩnh vực nào đó nhưng đã không còn cơ quan giám định công lập có khả năng để trưng cầu. Nếu độc quyền giám định tư pháp còn tồn tại thì cả giám định lại hoặc giám định hội đồng (giám định lại lần thứ 2) hoặc trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại (lần thứ 3) sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định thì cũng chỉ bó gọn ở các cơ quan giám định công lập, trong khi năng lực chuyên môn của những cơ quan này không phải là tuyệt đối. Đây rõ ràng là hạn chế phát triển giám định tư pháp trong tiến trình hoàn thiện pháp luật nước nhà và hội nhập quốc tế.
5. Quá trình xây dựng luật Giám định tư pháp ở nước ta không thống nhất. Thời kỳ 2004 – 2012 áp dụng Pháp lệnh giám định tư pháp. Theo Điều 9 (Bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên) của Pháp lệnh này thì không có quy định miễn nhiệm khi nghỉ hưu, nhưng có tình trạng các Bộ ra quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên của những người đến tuổi nghỉ hưu cho dù không có vi phạm gì.
Nay Điểm đ, Khoản 1, Điều 10, Luật Giám định tư pháp quy định miễn nhiệm: “Theo đề nghị của giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng có quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc”, nghĩa là những người kể trên không mặc nhiên bị miễn nhiệm khi nghỉ hưu nếu họ không đề nghị. Vậy nên khôi phục chức danh Giám định viên tư pháp cho những người nghỉ hưu bị miễn nhiệm oan vì Pháp lệnh giám định tư pháp, bởi quy định này làm cho lực lượng giám định viên tư pháp nước ta đã thiếu càng thêm thiếu.
Giám định tư pháp là một nghề nghiệp, mà đã là nghề thì sẽ tồn tại với một người cho đến khi không còn khả năng lao động, vậy nên việc buộc Giám định viên bỏ nghề khi tới tuổi nghỉ hưu là không chính đáng, trong khi nghề giám định đòi hỏi hiểu biết sâu, rộng, bề dày kinh nghiệm thực tiễn và đặc biệt phải có tâm đức tốt. Nếu Giám định viên dù đã ở tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề, không vi phạm pháp luật, mong muốn đóng góp cho đất nước thì nên tạo điều kiện để họ hoạt động, đừng ngáng đường họ, bởi như vậy là làm hao mòn tài nguyên đất nước.
Những vấn đề ông nêu ra trong bài viết là rất xác đáng, đặc biệt là vấn đề xã hội hóa giám định tư pháp. Chúng tôi xin góp thêm tiếng nói để ông và các đại biểu quốc hội có trách nhiệm hoặc quan tâm đến giám định tư pháp có thêm căn cứ.
Xin gửi tới ông lời chào trân trọng!
PGS.TS. Hoàng Mạnh Hùng
Thông tin liên hệ:
TRUNG TÂM TƯ VẤN, GIÁM ĐỊNH DÂN SỰ (CCCA)
Địa chỉ: 67 Khuất Duy Tiến, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0913.526.080
Email: tuvangiamdinh@gmail.com.