TỔNG QUAN VỀ GIÁM ĐỊNH GEN (ADN)

Từ những năm 1980, phân tích gen ADN đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực khoa học hình sự. Càng về sau, các phương pháp phân tích ADN trong phòng thí nghiệm càng được cải tiến, nên dù chỉ một lượng nhỏ máu, nước bọt, tinh dịch, tế bào da các hay mẫu sinh học khác của cơ thể cũng có thể được sử dụng để làm đầu mối điều tra, tìm ra mối liên quan giữa thủ phạm hoặc nạn nhân với hiện trường vụ án, khẳng định hoặc bác bỏ hành vi phạm tội.

Phân tích gen ADN có tính chính xác và đáng tin cậy cao, do đó kết quả giám định có thể dùng làm công cụ vô giá để minh oan cho những cá nhân bị kết án oan. Việc sử dụng kết quả phân tích ADN làm bằng chứng đã đạt được nhiều thành công trong các phiên tòa hình sự. Do đó, nhiều kỳ vọng bằng chứng ADN sẽ được đưa ra trong nhiều vụ án hơn, dù cho các loại bằng chứng khác có thể có giá trị hơn cho cuộc điều tra.

ADN đôi khi được ví như “bản thiết kế di truyền” do có chứa thông tin chỉ dẫn cho sự phát triển của sinh vật. Những đặc điểm cơ thể người như màu tóc, màu mắt, chiều cao và các đặc điểm hình thể khác đều được xác định bởi các gen, chỉ chiếm 2% ADN của con người. Phần này được gọi là vùng mã hóa vì nó cung cấp các hướng dẫn để protein tạo ra những đặc điểm này. 98% ADN còn lại của con người được coi là không mã hóa và chỉ mới xác định được chức năng trong khoa học gần đây.

Tuy nhiên, các nhà khoa học hình sự lại sử dụng ADN không mã hóa này trong điều tra tội phạm. Bên trong vùng ADN này là “các mẫu lặp” đặc trưng có thể được sử dụng để phân biệt người này với người khác. Các mẫu này được gọi là “short-tandem repeats” (STRs), có thể được đo đạc để xác định hồ sơ ADN của một người.

Tất cả các tế bào của cơ thể (ngoại trừ tế bào hồng cầu trưởng thành) đều có chứa ADN. Chỉ cần chút mồ hôi, tinh dịch, dịch cơ thể hoặc tế bào da nào còn sót lại tại hiện trường vụ án thì đều có thể giám định được STR đặc trưng để tìm ra người mang mẫu đó. Dù có thể có hàng nghìn người khác nhau có một số điểm STR tương đồng với nhau, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra trường hợp nào hai người có cùng dấu STR giống nhau ở tất cả 13 vùng được dùng để so sánh (ngoại trừ các cặp song sinh giống hệt nhau).

ADN có thể được tìm thấy trong nhân tế bào (trung tâm tế bào) hoặc trong ty thể bên ngoài nhân. Bên trong nhân, có hai loại ADN: (1) ADN cư trú trong nhiễm sắc thể thường, hoặc (2) ADN cư trú trong nhiễm sắc thể xác định giới tính. ADN nhiễm sắc thể thường chủ yếu được dùng trong điều tra tội phạm do ngoại trừ các cặp song sinh giống hệt nhau, không có hai người nào có ADN nhiễm sắc thể thường giống nhau.

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp nhất định, chẳng hạn như tấn công tình dục, việc kiểm tra ADN nằm trong nhiễm sắc thể xác định giới tính có thể rất hữu ích trong quá trình phân tích. Nếu nghi phạm trong vụ tấn công tình dục là nam (có nhiễm sắc thể Y) và nạn nhân là nữ (có nhiễm sắc thể X), việc tiến hành phân tích các mẫu STR trong các tế bào có nhiễm sắc thể Y (gọi tắt là Y-STR) có thể loại bỏ việc phân tích các tế bào thuộc về phụ nữ. Nhiễm sắc thể Y được truyền qua dòng nội – anh trai, cha và con trai sẽ biểu hiện nhiễm sắc thể Y giống nhau. Mặt khác, ADN ti thể (mtDNA) được thừa hưởng từ mẹ ruột, do vậy tất cả những người có huyết thống liên quan đằng mẹ đều có cùng một mtDNA (mặc dù khả năng nhỏ là có tồn tại sự thay đổi mtDNA từ cha mẹ sang con cái). Vì mtDNA xuất hiện nhiều hơn ADN nhân rất nhiều và không bị phân hủy nhanh như ADN nhiễm sắc thể thường, mtDNA rất hữu ích trong việc xác định người mất tích hoặc thi thể không xác định được danh tính.

Nguồn: https://www.forensicsciencesimplified.org

Thông tin liên hệ:
TRUNG TÂM TƯ VẤN, GIÁM ĐỊNH DÂN SỰ (CCCA)
Địa chỉ: 67 Khuất Duy Tiến, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0913.526.080
Email: tuvangiamdinh@gmail.com.

Author: My Hanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *